Củ và Rễ

Cách làm mì căn tại nhà đơn giản

bot mi lua mi va banh mi

Mì căn là thực phẩm không còn xa lạ đối với những người ăn chay. Không những giúp chế độ ăn thực vật thêm đa dạng, mì căn còn là nguồn protein dồi dào. Ở bài viết này, Củ và Rễ sẽ hướng dẫn bạn cách làm mì căn đơn giản tại nhà.

Mì căn là gì?

Mì căn được làm từ đạm (gluten) của lúa mì. Gluten là một loại protein giúp tạo độ đàn hồi cho bột mì, vì vậy mì căn là nguồn bổ sung protein cho người ăn chay.

Khi tách gluten bằng cách loại bỏ tinh bột và cám, bạn sẽ còn lại thành phần có kết cấu khá giống thịt. Chỉ cần nêm nếm gia vị hoặc chế biến tùy thích, bạn đã có ngay “thịt” chay, được dùng để thay thế thịt trong các món ăn chay, đặc biệt phổ biến ở Châu Á.

Bạn có thể tìm mua mì căn làm sẵn ở các chợ và siêu thị địa phương. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tự tay chế biến để đảm bảo độ tươi, sạch và an toàn, cách làm cũng rất đơn giản.

Cách làm mì căn:

Mì căn về cơ bản có hai loại: loại thường và loại ống. 

Cách làm mì căn thường:

Nguyên liệu:

  • 1 kilogram bột đa dụng (không sử dụng bột số 8 vì hàm lượng gluten thấp)
  • 1 muỗng giấm
  • 3 muỗng cà phê muối
  • Nước lọc

Dụng cụ:

  • Nồi
  • Thau, rổ
  • Giấy bạc 
  • Giấy chống dính

Các bước thực hiện:

Bước 1: Nhồi và ủ bột mì: Cho vào thau lớn bột mì, 2 muỗng cà phê muối và 550ml nước. Trộn đều và nhồi bột cho đến khi bột dẻo và mịn, không dính. Sau đó, đậy kín phần bột và để ở nơi thoáng mát ủ trong khoảng từ 1 đến 1 giờ 30 phút để bột nở đều.

2 bàn tay đang nhồi bột mì
Nhồi bột đều tay và nhẹ nhàng

Bước 2: Rửa bột: Đem bột cho vào rổ và rửa trong nước lạnh. Đồng thời dùng tay nhồi và vò bột. Rửa từ 4 đến 5 lần cho đến khi nước rửa bột hơi trong. Tiếp theo, để bột trong rổ và chờ cho ráo nước từ 10 đến 15 phút.

Bước 3: Luộc mì căn: Chia phần bột mì căn thành 4 phần. Lót một lớp giấy chống dính để đặt một phần bột mì căn lên trên, sau đó cuộn lại thành hình trụ dài, kích thước mỗi đoạn từ 4 đến 5 cm. Gói thêm 1 lớp giấy bạc bên ngoài, miết chặt hai đầu của miếng giấy bạc để nước không thấm vào bên trong trong quá trình luộc mì căn. Tiếp theo, cho nước vào nồi và đun sôi. Đợi đến khi nước sôi, cho mì căn vào và luộc cho đến khi chín, trong khoảng từ 30 đến 40 phút. Vớt mì căn ra, để nguội.

Bước 4: Gỡ giấy bạc và giấy chống dính ra. Cho mì căn vào nước lọc, thêm vào 1 muỗng cà phê muối và 1 muỗng giấm. Dung dịch này sẽ giúp mì căn trắng, giòn và dai. Sau đó, vớt mì căn ra, dùng giấy ăn lau khô. 

Thành phẩm:

Mì căn nhà làm có màu hơi ngả vàng hoặc trắng ngà, không có chất phụ gia, chất bảo quản, tốt cho sức khỏe.

Hướng dẫn sử dụng:

Bạn có thể xé nhỏ, hoặc cắt khoanh tròn tùy vào cách thức và món ăn bạn muốn chế biến.

Cách làm mì căn ống:

Nguyên liệu:

  • 500 gram bột mì số 13
  • 100 gram bột khoai tây
  • Nước lọc

Dụng cụ:

  • Tô, rổ, dĩa
  • Đũa
  • Màng bọc thực phẩm

Các bước thực hiện:

Bước 1: Nhồi bột: Cho bột mì và bột khoai tây vào tô, trộn đều với nhau. Sau đó, từ từ cho nước theo từng đợt vào trong tô, khuấy đều để bột hút nước. Lượng nước cho vào khoảng 350ml. Nhồi bột thật đều tay cho đến khi bột mịn, không dính.

Bước 2: Ủ bột: Dùng màng bọc thực phẩm đậy lên bề mặt bột và ủ trong khoảng 1 giờ để bột nở.

Trong khi chờ đợi, hãy làm khuôn cho ống mì. Dùng màng bọc thực phẩm quấn đều quanh thân 3 chiếc đũa. 

Bước 3: Rửa bột: Bỏ màng bọc ra và tiếp tục nhồi bột thêm khoảng 5 phút. Tiếp đó, cho bột vào tô cùng với 1 lít nước lọc để rửa. Dùng tay nhồi nhẹ để bột dai hơn. Rửa khoảng 4 đến 5 lần cho đến khi nước trong hơn. Sau đó, cho bột vào rổ, dùng tay nhồi nhẹ khoảng 5 phút cho ráo nước.

Bước 4: Luộc mì căn: Cho bột ra dĩa, dùng màng bọc thực phẩm đậy kín và ủ từ 20 đến 30 phút. Sau đó, dùng dao cắt nhỏ bột mì căn mịn thành từng sợi. Lấy sợi mì căn cuốn dọc theo đũa đã bọc màng bọc thực phẩm. Sau đó, cho vào nồi nước sôi và luộc cho đến khi chín từ 3 đến 5 phút. Cuối cùng, tắt bếp và cho mì căn ống vào nước lạnh.

Thành phẩm:

Ống mì căn dày, phần lõi nhỏ mịn, giòn và dai.

Hướng dẫn bảo quản:

Bảo quản trong màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín trong tủ lạnh từ 4 đến 5 ngày. Nếu cấp đông có thể bảo quản từ 15 đến 20 ngày.

Lưu ý khi sử dụng:

 

  • Chống chỉ định với những người dị ứng với gluten hoặc mắc bệnh đường ruột (Celiac)
  • Không nên ăn quá nhiều mì căn trong thời gian dài
  • Không sử dụng mì căn không rõ nguồn gốc

Mì căn có thể dùng để chế biến ra nhiều món chay thơm ngon mà bổ dưỡng, là nguồn bổ sung protein thực vật cho người ăn chay. Củ và Rễ đã hướng dẫn xong cách làm mì căn đơn giản, giòn dai tại nhà. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật những công thức chay mới nhất!

Xem thêm các bài viết liên quan khác:

AUTHOR

Tiên Alien

Làm những điều bình thường trong tỉnh thức, ăn chay trường và sống có ý nghĩa.

Leave a Comment

Your email address will not be published.